Thành công của mỗi doanh nhân là đi kèm với tài năng? Sự may mắn? Hãy nghe những doanh nhân Việt nói gì về sự thành công của họ.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ: “Đừng sợ hãi những người khổng lồ. Hãy xem phương thức vận hành của họ, xem cách họ thành công để tìm hướng đi cho mình. Điều này bản thân tôi không ngại. Nhiệm vụ của tôi là trong tầm nhìn này, thiết lập được hệ thống cùng chung ý nghĩ, khát khao này để hiện thực hoá trên những quan điểm”.
Cô gái gốc Việt Jacquelyn Tran được công nhận là một doanh nhân trẻ tài năng, thành đạt trên đất Mỹ khi cô kinh doanh hiệu quả phương thức mua bán nước hoa qua mạng tại vùng bờ tây California với website perfumebay. Hãy nghe cô nói về sự thành công của mình: "Trước tiên phải xác định cho được quan niệm trong kinh doanh và chắc chắn rằng điều đó được thực thi. Bạn phải làm sao tạo cho khách hàng sự thuận tiện khi mua bán qua mạng. Thông qua Internet, bạn có thể gửi thông điệp đến khách hàng và nhận được những phản hồi, nhận xét, đánh giá rất quý báu".
Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động chia sẻ: “Ở Thế Giới Di Động, chúng tôi bán sự hài lòng. Đó là triết lý xuyên suốt mọi hoạt động, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển đến ngày hôm nay của công ty”. Một điều dễ dàng nhận thấy ở hệ thống siêu thị của Thế Giới Di Động là không có các quầy hàng riêng biệt theo từng loại sản phẩm. Nhân viên cũng không có nhiều kiểu đồng phục riêng lẻ theo từng thương hiệu như tại các siêu thị khác. Tất cả chỉ mặc một kiểu đồng phục duy nhất của Thế Giới Di Động. Khách đến chỉ có các nhân viên tư vấn ngồi vào bàn trò chuyện, thậm chí nhiều khi không mang sản phẩm ra giới thiệu. Vì vậy, câu hỏi đầu tiên mà khách hàng nhận được khi đến đây là: “Em giúp gì cho anh/chị?”, chứ không phải là “Anh/chị cần mua gì?”. Điều này đã khiến cho khách hàng luôn cảm thấy thoải mái và không chịu áp lực. Nguyễn Đức Tài cho biết: “Tất cả nhân viên của công ty luôn quán triệt thông điệp: khách hàng ra khỏi siêu thị với nụ cười thỏa mãn, cho dù họ không mua bất cứ sản phẩm nào cũng là một thành công”.
Bước ngoặt để Đoàn Nguyên Đức trở thành thương gia là khi ông 22 tuổi sau 4 lần thi đại học không thành. Bầu Đức kể lại rằng: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ. Tôi có đọc cuốn sách viết về 100 tỷ phú thế giới, thấy có ai học đại học được đâu. Ông trùm máy tính của thế giới là Bill Gates giỏi lắm cũng mới học nửa chừng năm thứ hai của Đại học Harvard rồi bỏ học. Riêng tôi lại rất thích câu nói: “Trường đại học của tôi chính là trường đời”.
Giám đốc công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu - ông Vũ Minh Châu, vừa được Trung tâm Văn hoá doanh nhân Việt Nam trao tặng danh hiệu Doanh nhân văn hoá. Hãy nghe ông bật mí về công thức để thành công của mình: “Tôi có một công thức rất đơn giản để làm ông chủ: phải yêu nghề và làm việc tốt, làm việc tốt để có sản phẩm tốt, giá tốt, dịch vụ tốt thì mới có đông khách đến mua bán. Rồi phải xây dựng các cơ chế quản lý, tìm hiểu chính sách của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, bí quyết quan trọng nhất là trọng chữ tín, giữ tín nhiệm hơn giữ vàng bởi vì vàng bạc là sản phẩm có giá trị cao, người dân tin mới mua. Nếu mình làm tốt, vàng đúng tuổi, đúng cân, chuẩn giá thì người ta tìm đến mình thôi. Đó là một điều rất đơn giản”.
Phạm Phú Ngọc Trai là một trong những nhà quản trị xuất sắc nhất Việt Nam. Ông từng là Phó Giám đốc Công ty nước giải khát quận 3, Chủ tịch công ty nước giải khát Tribeco, công ty SPco rồi công ty nước giải khát quốc tế IBC trước khi trở thành chủ tịch kiêm tổng giám đốc PepsiCo Đông Dương. Ông là hậu duệ của nhà cải cách vĩ đại vào cuối thế kỉ thứ 19 Phạm Phú Thứ. Ông đã xây dựng văn hóa công ty như thế nào? “Khách hàng là thượng đế” là một phương châm đúng nhưng chưa đủ. Với PepsiCo Việt Nam, khách hàng sẽ chỉ hưởng mọi quyền lợi tốt nhất nếu được sống trong một môi trường tốt. Trong công tác quản lý, tôi thường nghĩ nếu mọi nhân viên chỉ lo vùi đầu vào công việc, với những áp lực phát triển và thăng tiến thì một ngày nào đó văn hóa ứng xử của họ với người xung quanh và với cộng đồng sẽ bị mờ nhạt đi và điều này sẽ nguy hiểm bởi vì nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và lâu dài trong một công ty chính là văn hóa. PepsiCo Việt Nam luôn mong muốn xây dựng nên những tiêu chuẩn văn hóa ứng xử cho các nhân viên và quản trị viên. Những chuẩn mực dựa trên nền tảng văn hóa Việt Nam và theo hai chủ đề chính: giữ gìn văn hóa và chăm sóc cộng đồng. Tôi nghĩ công ty dù ở tầm cỡ nào đi chăng nữa, khi vào kinh doanh ở một vùng đất mới cũng phải biết tôn trọng những giá trị văn hóa của nơi ấy mới mong thành công được. Thành công ở PepsiCo Việt Nam chính là nhờ có sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm, kỹ thuật quản lý quốc tế và nền tảng văn hóa địa phương”
Chị là Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Bảo hiểm AAA. Có rất nhiều điều để kể về chị, nhưng chắc không thể bỏ qua bước ngoặt quan trọng vào năm 2005, khi chị chính thức cùng những người có tâm huyết ở Bảo Minh tách ra để thành lập công ty bảo hiểm riêng, xây dựng nên ngôi nhà AAA hiện nay. Tiêu chí kinh doanh của AAA là "Luôn tạo sự khác biệt, dám nghĩ dám làm, tiên phong đi đầu với sự đổi mới. Coi trọng chữ tín, coi trọng sự cam kết với khách hàng, coi trọng quyền được an tâm của khách hàng”.
“Kinh nghiệm của tôi là đừng nghĩ mình có kinh nghiệm” - Huỳnh Kim Tước, chàng trai cố vấn của Google tại Việt Nam, đã nói như vậy khi được hỏi anh có kinh nghiệm gì để chinh phục các nhà tuyển dụng hàng đầu của Google.
Theo Doanh nhân
0 nhận xét:
Đăng nhận xét