[Marketing4u - Quản Trị] Kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng tất yếu ở các nước, trong đó có Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp (DN) trong nước đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc khai thác kênh xúc tiến bán hàng tiềm năng này, nhưng để phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh, có kinh nghiệm và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu là không dễ.
Cầu tăng
Theo thống kê của Vietnamworks. com, nhu cầu tuyển dụng của ngành internet/online Media đã tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2011, nhu cầu tuyển dụng của ngành này đã tăng 2,043% so với năm 2009.
Và hiện nay, các vị trí liên quan đến thương mại điện tử (TMĐT) chiếm gần 4,9% trong tổng số nhu cầu trên Vietnamworks.com. Trong khi đó, tỉ lệ tuyển dụng trong các ngành nghề “lúc nào cũng cần” như bán hàng cũng chỉ chiếm 17,5%, marketing 12,5%, kế toán, kiểm toán 7,8%.
Như vậy, dù chỉ mới bắt đầu phát triển nhưng nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực TMĐT giữ tỷ trọng không nhỏ trên thị trường tuyển dụng và đang có xu hướng gia tăng.
Theo ông Vincent Wong, Giám đốc Điều hành Bộ phận Phát triển Kinh doanh và Dịch vụ người mua của Tập đoàn Alibaba.com, một trong những lý do khiến nhu cầu lao động trong ngành TMĐT của Việt Nam tăng mạnh là do càng ngày càng có nhiều người tìm kiếm các sản phẩm mới và cơ hội mở rộng giao thương với các nước.
Hiện nay, các DN Việt Nam đang chủ động muốn tiếp cận nhà nhập khẩu nước ngoài thông qua TMĐT. Đã có 200.000 DN Việt Nam trở thành viên của Alibaba.com, cao hơn nhiều so với một số nước trên thế giới tham gia bán hàng qua dịch vụ trực tuyến của tập đoàn này. Một yếu tố nữa khiến nhu cầu nhân lực TMĐT tăng cao là tỷ lệ sử dụng internet tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh.
Trên thực tế, các DN tìm kiếm ứng viên chuyên về TMĐT đang tăng mạnh. Vào Google, gõ cụm từ “nhân viên bán hàng online”, chỉ trong vòng 0,14 giây sẽ hiện lên 18,3 triệu thông tin cần tuyển nhân viên bán hàng trực tuyến của các DN. Trên rất nhiều trang tìm việc trực tuyến như vietnamworks.com, timviecnhanh.com, jobs.vn, chonviec.com, careerlink.vn..., các thông tin tìm kiếm chuyên viên về TMĐT đăng tải khá nhiều.
Mới đây, Zalora Việt Nam, một công ty chuyên bán hàng thời trang trên mạng cũng đã rao tuyển một lượng lớn lao động, từ quản lý, điều hành, xuất nhập khẩu cho đến bán hàng, kinh doanh mạng lưới... Chưa biết chất lượng nhân sự cần tuyển của DN này thế nào, nhưng nhìn vào số lượng tuyển dụng đến vài trăm nhân viên cũng đã thấy sức hút nhân lực của ngành bán hàng online.
Theo các chuyên gia, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực TMĐT sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Trong chiến lược phát triển, Chính phủ đã chọn phát triển nguồn nhân lực TMĐT là một trong những ưu tiên.
Sở Công Thương các tỉnh - thành đã và đang thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển nguồn nhân lực TMĐT với nhiều hoạt động dành cho DN, như đầu tư trang thiết bị, phần mềm, tuyên truyền, đào tạo, tổ chức các chuyến tham quan học tập...
Bên cạnh những tín hiệu khả quan về nhu cầu thị trường, chính sách của Chính phủ, nguồn lao động trẻ nhanh nhạy trong các lĩnh vực công nghệ thông tin cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của nguồn nhân lực TMĐT.
Nhiều thách thức
Nhu cầu đang tăng cao nhưng vấn đề đào tạo lại là một thách thức lớn cho ngành này. Theo kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt mục tiêu 80% DN có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của DN. Nhưng để thực hiện được điều này, mỗi DN cần ít nhất một kỹ thuật viên TMĐT.
Như vậy, đến năm 2015, để phục vụ cho hoạt động cho DN cũng như đáp ứng được nhu cầu phát triển TMĐT, cả nước cần phải có khoảng 374.640 kỹ thuật viên. Với tình hình đào tạo của nước ta thì mức cung không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng.
PGS-TS. Đoàn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, trong một cuộc hội thảo bàn về việc đào tạo nhân lực TMĐT gần đây, cho biết, hiện nay, cả nước chỉ có hai trường mở chuyên ngành TMĐT, các trường khác chỉ dạy môn TMĐT trong hệ thống các môn học của ngành kinh tế. Với thực trạng đào tạo này, số lượng nhân lực chuyên về TMĐT trong cả nước chỉ có thể đáp ứng 0,1% nhu cầu.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Trưởng Khoa TMĐT, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ công thương Trung ương, nói thêm: “Nguồn nhân lực cho TMĐT hiện nay không những thiếu về số lượng mà còn cả về chất lượng. Sinh viên ra trường có kỹ năng về TMĐT nhưng kiến thức, kinh nghiệm về giao thương hay trình độ ngoại ngữ còn yếu và chưa thể đáp ứng ngay được nhu cầu của các DN”.
Trước thực trạng thiếu nguồn cung lao động trong ngành TMĐT chất lượng cao, để nâng cao chất lượng đầu ra của sinh viên, hằng năm, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ công thương Trung ương phải đưa sinh viên thực tập tại các DN là thành viên của các sàn TMĐT quốc tế như Alibaba.com.
Theo ông Dũng, đây là cách để sinh viên làm quen với môi trường giao thương thực tế cũng như tích lũy kinh nghiệm, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các DN.
Đánh giá về thực trạng nguồn nhân lực TMĐT tại Việt Nam, ông Vincent Wong, cho rằng, các DN đã có sự chuẩn bị nhất định cho việc khai thác kênh xúc tiến bán hàng đầy tiềm năng này, từ vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng cho tới kế hoạch trung và dài hạn.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay là tìm kiếm nhân sự phù hợp có kiến thức và kỹ năng kinh doanh trực tuyến để có thể tiến hành giao dịch không những với các đối tác trong nước mà cả những đối tác nước ngoài vốn đã dày dạn kinh nghiệm giao thương TMĐT trên thị trường quốc tế.
Chỉ giải quyết ngắn hạn
Do thiếu nguồn cung nên dù các DN sẵn sàng dành ngân sách cho một vị trí chuyên về TMĐT hay marketing trực tuyến quốc tế, nhưng vẫn khó khăn trong việc tìm được ứng viên phù hợp. Để việc kinh doanh tiến triển, không còn cách nào khác là DN phải chọngiải pháp tạm thời là để các nhân sự hiện tại đảm nhiệm luôn các công việc này.
Ông Nguyễn Thanh Lê, Giám đốc Công ty Thanh Lê, cho biết, trong hai năm qua, công ty tuyển dụng cho vị trí nhân viên bán hàng qua mạng nhưng vẫn chưa tìm được người ứng ý. Yêu cầu của công ty là nhân viênphải biết lên kế hoạch, thực hiện kế hoạch marketing online cho website bán hàng trực tuyến; chăm sóc và phát triển fan page tại các trang mạng xã hội; tìm kiếm hợp đồng online.
Và một tiêu chuẩn không thể thiếu nữa là rành về công nghệ thông tin để có thể khắc phục sự cố hệ thống mạng máy tính. Chính vì vậy, Thanh Lê phải cho nhân viên bán hàng học thêm các khóa về CNTT.
Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Nhân, Giám đốc Điều hành Công ty Nhân Minh, chủ thương hiệu Qcoffee xuất khẩu, cho rằng, để làm tốt công tác bán hàng online ra nước ngoài, những người chuyên trách công việc này không chỉ cần thông thạovề ngoại ngữ để giao dịch trực tuyến với các đối tác mà còn phải hiểu biết về các thị trường tiềm năng và kinh nghiệm giao thương quốc tế.
Bên cạnh đó, kiến thức về dịch vụ sau bán hàng cũng là yếu tố không thể thiếu. Yêu cầu cao, số lượng không đáp ứng được nên các DN thường chọn cách bố trí nhân lực kiêm nhiệm hoặc cử các cán bộ hiện có đi đào tạo bổ sung các kiến thức về ứng dụng TMĐT.
Trước thực trạng này, một mặt các Sở Công Thương hỗ trợ DN trong việc đào tạo nguồn nhân lực, mặt khác, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo về TMĐT dành cho DN. Bên cạnh đó, các tổ chức, công ty thuộc lĩnh vực có liên quan cũng thường xuyên tổ chức những buổi tư vấn, đào tạo nhằm cung cấp những kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động trong lĩnh vực TMĐT nói chung và trên các sàn TMĐT dành cho DN nói riêng.
Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB - đại lý ủy quyền chính thức của Alibaba.com tại Việt Nam, cho biết, để hỗ trợ các DN xuất khẩu Việt Nam tham gia có hiệu quả trên Alibaba. com, hằng tháng, Công ty OSB đều tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn trực tiếp và trực tuyến cho các DN xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Công ty còn nhận sinh viên thực tập từ các chuyên ngành liên quan xuất nhập khẩu, TMĐT, công nghệ thông tin từ các trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM. Ngoài ra, Công ty cũng đang tham gia biên soạn giáo trình TMĐT cho Trường Đào tạo, Bồi dưỡng Cán bộ công thương Trung ương và nhận sinh viên thực tập từ trường này.
Sinh viên thực tập sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng thực tế ứng dụng các kênh xúc tiến xuất khẩu online. Dù đã có nhiều hình thức được triển khai, nhưng theo ông Toản, để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực trong việc ứng dụng TMĐT của DN, cần phải có sự góp sức của các bên tham gia.
Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo tại các cơ sở đào tạo thì các chương trình đào tạo ngắn hạn, bổ sung mang tính thực tế phù hợp với nhu cầu của các DN cần được khai thác triệt để.
Theo DNSG (Thanh Thanh - Hồng Nga)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét