Nhiều chủ shop thu về hàng chục triệu đồng, thậm chí có trường hợp kiếm tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ các nguyên liệu đơn giản như vải nỉ, vải dạ và giấy...
> Sinh viên 'ngoại đạo' làm kinh tế
> Sinh viên 'ngoại đạo' làm kinh tế
Trần Anh Dũng, sinh viên năm thứ 3 Đại học Ngoại Thương, một trong những người sáng lập 4handy và Bánh đa shop chia sẻ, nhờ bán hàng handmade, tổng doanh thu của 2 shop mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng. Công ty của Dũng không tập trung vào sáng tạo các sản phẩm handmade làm sẵn mà sản xuất những bộ kit bao gồm vải dạ, các dụng cụ và hướng dẫn để tạo ra một sản phẩm handmade. Shop có đội chuyên môn chỉ 2 - 3 người có nhiệm vụ thiết kế và chế tạo sản phẩm mẫu và nhóm đã sáng tạo khoảng 200 bộ kit hướng dẫn làm các sản phẩm từ móc khóa, bánh ga tô bằng vải dạ cho đến thiệp giấy.
Với doanh thu khiêm tốn hơn, khoảng vài chục triệu đồng mỗi tháng, I-karo, một shop gồm 8 nhân viên với 3 cửa hàng tại Hà Nội lại có cách kinh doanh khác. I-karo shop không sản xuất các bộ kit hàng loạt mà làm các sản phẩm handmade theo yêu cầu của khách hàng. Điều đặc biệt trong phương thức kinh doanh của shop này là làm ra sản phẩm “xinh y chang” với tưởng tượng của người đặt.
Zonnyshop lại là cửa hàng chỉ kinh doanh online, với 6 nhân viên, chuyên buôn bán các sản phẩm từ len. Mới thành lập 4 tháng, mỗi ngày shop nhận trung bình 10 - 20 đơn đặt hàng. Anh Nguyễn Văn Chung, chủ Zonnyshop tiết lộ: "Có những đợt, shop nhận order của các diễn đàn từ 100 đến 200 sản phẩm". Với mỗi sản phẩm có giá trung bình là 40.000-50.000 đồng, cửa hàng có thể thu được trung bình 4-10 triệu mỗi tháng, một con số không nhỏ đối với cửa hàng online mới thành lập.
Tuy nhiên, để kinh doanh handmade có lãi như vậy, chủ cửa hàng cũng phải trả những giá không nhỏ. Vào những ngày đầu, 4handy đã từng thu hồi hàng nghìn sản phẩm do không nắm bắt được thị trường kinh doanh, đánh giá không đúng nhu cầu khách hàng. Trần Anh Dũng, ông chủ 9X tâm sự: “Cho tới bây giờ, tôi tưởng như shop đã kinh doanh ổn định, nhưng mọi mục tiêu đều có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Những kế hoạch vạch ra cho một năm có thể không trụ nổi trong vòng một tháng vì thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục”.
Chủ shop I-karo, Nguyễn Thùy Linh nhìn nhận, hiện handmade đã trở thành một xu hướng mạnh mẽ trong giới trẻ. Càng ngày càng có nhiều cá nhân và các shop online bán nguyên liệu cũng như các sản phẩm handmade. Cửa hàng kinh doanh handmade để thành công phải nghiên cứu và cập nhật thường xuyên nhu cầu khách hàng.
Còn Trần Anh Dũng cho rằng có 3 nhóm khách hàng sử dụng các sản phẩm handmade. Nhóm một là những người thích mua những sản phẩm handmade làm sẵn, nhóm 2 là những người mua bộ kit về làm theo hướng dẫn. Nhóm còn lại là những người chỉ mua nguyên liệu, tự thiết kế sản phẩm.
Để thành công, các shop không chỉ bán các sản phẩm phục vụ cả 3 nhóm khách hàng mà còn tổ chức các lớp học dạy làm đồ handmade. I-karo còn tạo thiết lập mô hình café handmade, tạo ra một không gian để các tín đồ handmade có thể thoải mái chia sẻ sở thích: vừa uống café, vừa mua, vửa làm, vừa học handmade tại chỗ. Một số cửa hàng còn phải bỏ ra rất nhiều công sức để phát các survey ở các trường học, lập các survey online để tìm hiểu thói quen mua hàng của giới trẻ.
“Handmade là một xu hướng tất yếu với hai giá trị to lớn của nó là tiết kiệm chi phí và tạo ra giá trị của sản phẩm" - Dũng chia sẻ. Đó là một trong những lí do mà các shop thành công và lấy lại vốn trong một thời gian ngắn.
Hảo Linh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét